Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp & Vận Tải (Tracodi)

(CafeF) - Chính sách hạ tầng giao thông mở lối cho Tracodi

29/10/2021

Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2021 đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có khát vọng đầu tư hạ tầng giao thông như Tracodi (mã TCD).

Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, được đánh giá có quy mô, phạm vi và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước.

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cũng là một trong 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải (đường bộ; đường thủy nội địa; cảng hàng không, sân bay; cảng biển; đường sắt).

Với bản quy hoạch đồng bộ trên, đồng thời trước đó Nghị định 28/2021/NĐ-CP về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Chính phủ ban hành được nhìn nhận sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có khát vọng trở thành các chủ đầu tư, phát triển các dự án hạ tầng giao thông lớn.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch TCD, nếu như trước đây các nhà đầu tư PPP phải bỏ toàn bộ vốn đầu tư dự án hạ tầng giao thông, vốn có quy mô rất lớn khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà, thì nay quy định mới tạo cơ chế thông thoáng hơn cho các địa phương khi cho phép địa phương chủ động cân đối ngân sách để đảm bảo tỷ lệ vốn 50:50 cho các dự án. Điều này có nghĩa là, thay vì phải lo 100% vốn như trước kia, các chủ đầu tư dự án PPP chỉ cần lo 50% vốn, giải tỏa được áp lực và bế tắc lâu nay. Đây là cơ chế được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực đầu tư công đánh giá rất cao và theo nhận xét của ông Hùng, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhanh chân nắm bắt cơ hội mới.

Với riêng TCD, bên cạnh đảm nhận vai trò nhà thầu xây dựng trong các dự án hạ tầng giao thông, cơ chế mới còn mở ra chiến lược táo bạo cho doanh nghiệp với tham vọng trở thành nhà đầu tư phát triển dự án hạ tầng.

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, mã chứng khoán TCD)

Hiện nay, TCD và công ty mẹ BCG đang xúc tiến nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông ở Long An. Các doanh nghiệp đang khảo sát, lập quy hoạch đề xuất chính quyền tỉnh đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông lớn từ TP HCM về Tiền Giang, qua Long An.

Sức lan tỏa của các dự án hạ tầng giao thông đối với nền kinh tế đã được chứng minh qua thực tế, ở các địa phương có hệ thống đường sá, đường cao tốc phát triển, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai… đều có sức bật và tốc độ tăng trưởng GDP vượt trội. Từ đó, càng thu hút thêm nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tìm đến đầu tư.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nhu cầu về đa dạng hóa nguồn tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) là một tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam thông qua hình thức PPP đã huy động được khoảng 80 tỷ USD cho đầu tư phát triển CSHT. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam ước cần thêm khoảng 30 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn chế là thách thức lớn của tiến trình này Chính phủ đã có chủ trương rất rõ ràng về việc huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư CSHT thông qua chính sách xã hội hóa đầu tư với một trong những kênh chủ yếu là hình thức PPP.

Việc gần đây có thêm nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư, huy động các nguồn lực tư nhân, ban hành quy hoạch mạng lưới đường bộ giao thông… sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp mạnh dạn đánh thức tiềm năng ở các vùng đất mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình này, doanh nghiệp cũng sẽ lớn mạnh về quy mô và có dòng tiền đều đặn qua các dự án tiềm năng.

Tại khu vực ĐBSCL, Tracodi là một trong số ít doanh nghiệp lớn về hạ tầng, năng lực thi công và quản trị đã được chứng minh qua hàng trăm dự án, nhất là về tiến độ và chất lượng. Có thể kể đến các dự án hạ tầng như sân bay Phú Quốc, đường xuyên á Xà Xía, BOT đường tránh 380 & 824, Tỉnh lộ 645, đường tỉnh 831, Cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, đường sân bay Phú Bài, cầu Vàm Cống, cầu Tam Trà Tam Sơn, đường nối Hầm Hải Vân - Túy Loan...

Không đơn thuần dừng ở vai trò nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông, giấc mơ lớn hơn mà TCD đang ấp ủ và theo đuổi là vươn mình trở thành chủ đầu tư các dự án hạ tầng. Khát vọng lớn sẽ làm lên các doanh nghiệp lớn.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế